Dành vài phút viết về Nghề Account
“Đôi lúc chúng tôi nói vui với nhau, Account ( A-Cow) nhiều tình huống phải cười nhăn như phomai con bò cười, nhiều khi lại logic khó tính như mấy chị ở phòng Accountant (Kế toán) vậy”
Làm Account là làm gì?
Mình nhớ dăm bảy năm trở lại đây, khi mà công nghệ cũng như truyền thông phát triển. Mọi người, đặc biệt là giới trẻ thích thú với những Clip quảng cáo của một số Nhãn hàng mỗi đợt Campaign nào ra mắt, hay bắt gặp Anh, Chị nào bảo làm ở Agency là bản thân mỗi đứa newbie như mình hay nhiều kẻ ngoại đạo cũng cảm thấy mê tít.
Đã có rất nhiều các bài viết chia sẻ về vị trí này, từ những câu chuyện với Client dở khóc dở cười, cho đến những mỗi trường văn hoá làm việc trong mơ tại Agency. Tuy nhiên ở khía cạnh bài viết này, mình sẽ chỉ làm rõ về một góc nhìn các bạn trẻ, hay thậm chí là có những bạn đi làm được một vài năm rồi vẫn còn khá mơ hồ hoặc thắc mắc, tại sao ở một số Doanh nghiệp lại có sự khác nhau nhiều về vị trí Account, thậm chí có bạn còn không hiểu thực sự JD (Job Descriptions) của mình sẽ làm gì và làm như thế nào.
Thực ra, về bản chất, vị trí Account trong các đơn vị Agency không có sự khách biệt quá lớn ở vai trò/trách nhiệm của người làm Account. Ở vị trí này, cơ bản bạn sẽ luôn đảm nhiệm 2 vai trò rất rõ ràng là “Quản trị mối quan hệ khách hàng” và “Quản trị vận hành dự án”, sự khách biệt lớn nhất nằm ở trọng số/tỉ trọng công việc phân bổ hai nhiệm vụ này ở các Doanh nghiệp có thể khác nhau.
Nhóm công việc Quản trị mối quan hệ khách hàng
- Tìm kiếm, liên hệ, xây dựng mối quan hệ với khách hàng mới, cũ.
- Làm việc với các đối tác, nhà cung cấp.
- Thu thập brief (yêu cầu của khách hàng), phối hợp với bộ phận Chuyên môn (Chiến lược -Strategy, Sáng tạo/Nội dung – Creative, Media/Digital – Truyền thông,..) cùng Team xây dựng đề xuất/proposal.
- Trình bày proposal với Khách hàng (Client), làm các công tác paperwork (báo giá, hợp đồng,..).
Nhóm công việc “Quản trị vận hành dự án”
- Phối hợp, triển khai Campaign/Dự án cùng các bộ phận/Team.
- Giám sát, báo cáo, đề xuất cùng Team để tối ưu hiệu quả .
Trong quá trình phỏng vấn một số nhân sự, mình đã gặp rất nhiều trường hợp các bạn thực sự không biết rõ mình sẽ làm gì ở vị trí mình ứng tuyển. Đa phần sẽ gặp ở những nhân sự Fresher, mới vào nghề. Các bạn thường mường tượng rằng, à Account là mình sẽ được tiếp xúc với Khách hàng, lấy brief sau đó yêu cầu Team chuyên môn đề xuất kế hoạch và timeline cho Khách hàng.
Hay có những bạn thì lại nghĩ, Account là làm Sales, tức là mình sẽ phải tìm kiếm Khách hàng tiềm năng, lên báo giá và sales dịch vụ của Agency.
Những suy nghĩ của các bạn không hề sai, chỉ là chưa thực sự hiểu hết vai trò của mình sẽ đảm nhiệm.
Sự khác nhau này đến từ nhiều yếu tố, có thể là do định vị Chuyên môn của Agency hay Chiến lược về Kinh doanh của Doanh nghiệp. (IMC Agency, Media Agency, Digital Agency, Production Agency,..)
Các Doanh nghiệp khác nhau nên sự phân bổ tỉ trọng công việc khác nhau. Thông thường một số Agency dễ thấy, ở vị trí Fresher hay Executive, các bạn thường được phân công các công việc mang tính chất đơn giản phù hợp với chuyên môn của mình như Tìm kiếm Khách hàng tiềm năng, làm các công việc paperwork, phối hợp với team chuyên môn triển khai theo dõi chiến dịch, báo cáo,…
Ở những vị trí cao hơn như Senior/Manager, thường việc quan hệ Khách hàng, đặc biệt là các Khách hàng quan trọng (Key Account) sẽ thể hiện rõ hơn. Một phần vì qua sự va chạm và trải nghiệm cũng sự tích luỹ trong ngành đủ lâu mà các Anh, Chị lâu năm có “kinh nghiệm hơn” so với các em về việc “làm Khách”.
Họ đọc vị, thấu hiểu những vấn đề thiết thực hơn, “bắt mạch” đúng “nỗi đau” của Khách hàng để tìm cho ra được nhu cầu thực sự của Doanh nghiệp (Client). Đôi khi việc đó đã khiến tỉ lệ xúc tiến thành công của một Dự án/Hợp đồng hợp tác tăng lên rất nhiều rồi.
Nghề Account sớm quen với việc được gán cho cái mác làm dâu trăm họ, nhưng nghề nào cũng có những nỗi khổ riêng, nhưng để lựa chọn, bạn thực sự phải suy nghĩ một cách nghiêm túc rằng, liệu mỗi sáng mai thức dậy, bạn có động lực gì để đến văn phòng không?
Nếu sống với nghề dăm năm, mười năm, thậm chí hai mươi năm, bạn có thực sự có chọn nghề đó không?
Lựa chọn và quyết định là ở riêng mỗi người, biết có trách nhiệm với lựa chọn của mình, tin tưởng nó và quyết tâm theo đuổi đến cùng, bạn chắc chắn sẽ tìm ra cho mình một con đường đúng đắn
Tin ở bạn!
Người viết: Quỳnh Phan